Nhân-quả luân-hồi đã chứng minh
Đọc bao sách-vở ở quanh mình
Mấy ngàn năm trước Phật truyền đạo
Suy-ngẫm việc đời thấy phải tin.
Quả-báo nhãn-tiền đã thấy rồi(1)
Còn chưa thức tỉnh hỡi ai ơi!
Đam-mê vật-chất gây nhân ác
Trả quả kiếp sau đau khổ thôi!
Thần-đồng quá trẻ ở đâu ra?
Kiếp trước nhân tài nổi tiếng mà!
Tài-trí thông minh thật xuất-chúng
Kiếp này hưởng quả thật tài-hoa.
Đứa trẻ nhớ lại từ kiếp trước(2)
Dẫn cha mẹ đến nơi quê xưa.
Nhớ từng kỷ-niệm người yêu mến
Bí-ẩn nầy bằng-chứng được chưa?
Người sanh ra ở quê-hương nầy
Nằm ngủ say nhưng nói tiếng Tây... (3)
Kể rõ xứ sanh ra kiếp trước
Luân-hồi sanh trở lại nơi đây.
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma Tây-Tạng (4)
Trở lại đầu thai tại Hoa-Kỳ.
Xin nguyện về tu nơi xứ cũ
Truyện nầy xem thấy thật ly-kỳ!
Nhân-quả luân-hồi là đúng thật
Không gì tiêu-mất ở đời nầy.
Sống sao từ-giả không ân-hận
Thăng tiến tâm-linh quý lắm thay!
Dòng sống không bao giờ bị mất
Luân-hồi qua kiếp khác mà thôi!
Hay siêu-thăng lên miền Cực-Lạc
Vĩnh-viễn an-lành không luân-hồi.
Minh Lương Trương Minh Sung
Cali. ngày 06 / 01 / 2011
--------------
(1) Vụ không-tặc khủng-bố ngày 9/11/2001 tại Hoa-Kỳ...
(2) Có nhiều truyện thật ở VN và nước khác...
(3) Chuyện thật ở Mỹ - bị thôi miên khi ngủ và nói tiếng Tây , tiếng Đức...kể lại kiếp trước sống nơi đây!
(4) Chuyện thật của cậu bé người Mỹ gốc Việt đang tu tại Tây-Tạng .
Đức Lạt-Ma viên-tich tại Tây-Tạng rồi luân-hồi đầu thai tại Hoa-Kỳ - bây giờ xin trở lại Tây-Tạng tu-hành tiếp...
Luật Luân hồi với những người nổi tiếng
Trên thế giới có nhiều người tin vào sự Luân hồi. Một số chỉ tin một cách hời hợt mơ hồ, nhưng cũng không ít người hiểu Luân hồi là một quy luật của sự sống, và quy luật ấy có ý nghĩa rất sâu xa.
Henry Ford
Henry Ford (30/7/1863 – 7/4/1947) là người sáng lập Công ty Ford Motor, là một trong những người giàu nhất thế giới
“Tôi biết thuyết Luân hồi từ khi tôi 26 tuổi. Thiên tài chính là kinh nghiệm. Một số người nghĩ rằng nó là một món quà hay là tài năng, nhưng thực ra là kết quả của kinh nghiệm lâu dài trong nhiều kiếp sống”.
Benjamin Franklin
Benjamin Franklin (17/01/1706 – 17/ 4/1790) là một trong những nhà lập quốc của Hoa Kỳ. Ông là một chính trị gia, một nhà khoa học, một tác giả, một thợ in, một triết gia, một nhà phát minh, nhà hoạt động xã hội, một nhà ngoại giao hàng đầu
“Tôi nhìn nhận cái chết cũng cần thiết đối với chúng ta như giấc ngủ vậy. Chúng ta sẽ sống dậy khỏe khoắn vào buổi sáng…”
“Tôi tin rằng tôi sẽ luôn luôn tồn tại, ở dạng này hay dạng khác”.
Jack London
Jack London (12/1/1876 – 22/11/1916) là nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội Hoa Kỳ nổi tiếng thế giới
“Tôi không bắt đầu khi tôi được sinh ra, cũng không phải khi được thụ thai. Tôi lớn lên, phát triển, qua hàng vạn thiên niên kỷ không thể tính đếm. Tất cả bản ngã trước đây của tôi đều có tiếng nói, tiếng vọng của họ, đang thúc giục trong tôi. Ồ, tôi sẽ lại được sinh ra vô số lần nữa”.
Napoleon
Hoàng đế Napoleon (15/8/1769 – 5/5/1821) của nước Pháp
Napoleon thích nói với các tướng lĩnh của mình rằng ông tin vào Luật Luân hồi và thậm chí còn kể họ nghe ông tin mình đã từng là những ai trong các tiền kiếp của mình.
Mark Twain
Samuel Langhorne Clemens (được biết đến với bút hiệu Mark Twain; 30/11/1835 – 21/4/1910) là một nhà văn, nhà diễn thuyết nổi tiếng Hoa Kỳ
“Tôi đã được sinh ra nhiều lần hơn bất kỳ ai, ngoại trừ Krishna”
Leo Tolstoy, tác giả bộ “Chiến tranh và hòa bình”
Nhà văn Nga vĩ đại Leo Tolstoy (9/9/1828 – 20/11/1910) còn là nhà viết kịch và nhà cải cách giáo dục có ảnh hưởng rất lớn
“Cũng như chúng ta trải qua hàng ngàn giấc mơ trong cuộc đời hiện tại của mình, cuộc đời hiện tại của chúng ta chỉ là một trong hàng ngàn cuộc đời mà chúng ta tiến nhập vào, từ cuộc đời khác thực hơn rồi quay trở về sau khi chết. Cuộc đời của chúng ta chỉ là một trong những giấc mơ của cuộc đời thực hơn ấy, và do đó nó là vô tận, cho đến tận cuộc đời cuối cùng, cuộc đời rất thực của Thần”.
Johann Wolfgang von Goethe
Johann Wolfgang von Goethe (28/8/1749 – 22/3/1832) là nhà văn và học giả Đức hết sức nổi tiếng. Ông được xem là một thiên tài kiệt xuất của văn học Đức. Ông làm việc trong lãnh vực thơ ca, kịch nghệ, văn học, triết học và khoa học
“Chừng nào bạn chưa biết định luật liên miên của Sự chết và Tái sinh, bạn chỉ là một vị khách mơ màng trên Trái đất tối tăm”.
Mahatma Ghandi
Mahatma Ghandi (2/10/1869 – 30/1/1948) là nhà lãnh đạo kiệt xuất, anh hùng của dân tộc Ấn Độ
“Tôi chẳng thể nghĩ về sự thù địch lâu dài giữa người với người, và tôi tin ở thuyết luân hồi, tôi sống trong hy vọng rằng nếu không phải trong kiếp này, thì trong kiếp nào đó khác tôi sẽ có thể ôm tất cả nhân loại trong vòng tay thân ái”.
Đại tướng George S. Patton
George Smith Patton Jr. (11 tháng 11, 1885 – 21 tháng 12, 1945), còn được gọi là George Patton III, là một tướng lĩnh, nhà chỉ huy quân sự nổi tiếng của Lục quân Hoa Kỳ
“Như khi tôi nhìn xuyên qua một tấm gương, tôi thấy mờ mịt cuộc xung đột trường kỳ, khi tôi chiến đấu trong nhiều cái vỏ, nhiều cái tên, nhưng luôn luôn là tôi”.
Ralph Waldo Emerson
Ralph Waldo Emerson (25/5/1803 –27/4/1882) là một giảng viên, nhà văn, nhà thơ lớn của Hoa Kỳ thế kỷ 19
“Linh hồn từ bên ngoài đi vào trong thân thể, như là vào trong một nơi trú ngụ tạm thời, và nó đi ra khỏi đó, nó lại chuyển vào những nơi cư trú khác, bởi vì linh hồn là bất tử”.
“Đó là bí mật của thế giới, rằng mọi thứ tồn tại và không chết đi, mà chỉ ra khỏi tầm nhìn đôi chút và sau đó quay trở lại. Không gì chết cả; người ta tưởng mình chết, và bắt chước nhau chịu đựng những đám ma…”
Walt Whitman
Walt Whitman (31/5/1819 – 26/3/1892) – nhà thơ, nhà báo, nhà nhân văn lớn của Hoa Kỳ và thế giới
“Tôi biết mình bất tử. Tôi không hề nghi ngờ rằng mình đã chết cả chục ngàn lần trước đây. Tôi cười vào cái mà bạn gọi là cái chết…”
Jalalu Rumi
Jalalu Rumi (30 /12/1207 – 17/12/1273) là nhà thơ Ba Tư nổi tiếng thế kỷ 13
“Tôi đã chết khi là một khoáng vật và trở thành cây, tôi đã chết khi là một cái cây và trỗi dậy thành động vật, tôi đã chết khi là động vật và tôi thành người”.
Carl Jung
Tiến Sĩ Carl Gustav Jung là một nhà khoa học rất có tên tuổi, là cha đẻ của khoa Phân tâm học, là một nhà tư tưởng tiên phong, và còn giỏi về nhiều ngành khoa học khác nữa. Ông tin tưởng sâu sắc vào sự Luân hồi.
“Cuộc đời tôi đối với tôi thường giống như một câu chuyện mà không có khởi đầu và không có kết thúc. Tôi có cảm giác rằng mình là một mảnh lịch sử, là một đoạn trích mà phần văn bản phía trước và phía sau đang thiếu vắng. Tôi có thể đoán được một cách hợp lý rằng mình đã từng sống trong những thế kỷ trước đây và ở đó tôi đã gặp phải những câu hỏi mà tôi chưa thể trả lời được; rằng tôi đã được sinh ra lần nữa bởi vì tôi chưa hoàn thành sứ mệnh được trao”.
Socrates
Socrates (469 TCN –399 TCN) là triết gia vĩ đại của Hy Lạp và thế giới
“Tôi tin chắc chắn rằng thực sự có một điều như là sống lại lần nữa, rằng cái sống xuất hiện từ cái chết, và rằng linh hồn của người chết đang tồn tại”.
Voltaire
François-Marie Arouet (21/11/1694 – 30/5/1778), nổi tiếng dưới bút danh Voltaire là một nhà văn, nhà sử học và triết gia lừng danh người Pháp,
và cũng là một nhà ủng hộ tích cực cho tự do và dân chủ“Được sinh ra 2 lần chẳng có gì đáng ngạc nhiên hơn 1 lần; mọi thứ trong tự nhiên đều phục sinh”.
Honore Balzac
Honoré de Balzac (1799–1850) là nhà văn hiện thực Pháp lớn nhất nửa đầu thế kỷ 19, bậc thầy của tiểu thuyết văn học hiện thực. Ông là tác giả của bộ tiểu thuyết đồ sộ “Tấn trò đời”
“Tất cả loài người đều phải trải qua tiền kiếp… Ai biết được bao nhiêu thể xác thịt mà người kế thừa thiên đường chiếm giữ trước khi ông ta có thể hiểu được giá trị của sự im lặng tĩnh mịch của các thế giới thần thánh?”
Paul Gauguin
“Khi cơ thể vật lý vỡ tan, linh hồn vẫn sống sót.Nó sẽ chiếm lấy một thân thể khác”.
George Harrison
“Bạn bè tất cả đều là những linh hồn mà chúng ta đã biết ở các kiếp khác. Chúng ta đã được kéo lại gần nhau.Thậm chí nếu tôi chỉ biết họ một ngày, cũng không sao cả. Tôi sẽ không chờ cho đến khi tôi biết họ được 2 năm, bởi vì dù sao đi nữa, chúng ta phải đã gặp nhau đâu đó trước kia rồi, bạn biết đấy”.
Pythagoras
Pythagoras (Khoảng 570 TCN – 495 TCN) là nhà toán học và triết gia lỗi lạc của nhân loại
Ở Hy Lạp cổ đại, luân hồi là một học thuyết liên hệ gần gũi với các môn đệ của nhà toán học – triết gia Pythagoras. Theo Pythagoras, linh hồn sống sót sau cái chết vật lý và luân hồi có hạn.
Có lẽ câu hỏi “Luân hồi có thật hay không?” đã lỗi thời, và câu hỏi “Trước khi rơi vào vòng xoáy luân hồi, chúng ta là ai? Sau khi ra khỏi vòng xoáy ấy, chúng ta về đâu?” quan trọng và thực tế hơn. Đối với nhân loại đó là một cánh cửa bí ẩn mà chỉ khi chịu khó đi tìm người ta mới có thể mở ra được.
Minh Trí
(tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét