Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

Bài 50 : Nghiệp Bệnh. Thế nào là Gánh Nghiệp Bệnh và Không Gánh Nghiệp Bệnh.

Tôi rất vui khi có người phát tâm học nghề y cứu người với tinh thần vô vụ lợi, trước hết cần phải phát triển y tâm, y đức, rồi mới đến y thuật là nghiên cứu tìm tòi học hỏi và thực hành nhiều thì sẽ mau tiến bộ. Nhưng học nghề y cũng cần phải có tinh thần Bi-Trí-Dũng.

1-Tinh thần Bi-Trí-Dũng :

Bi là biết thương người bệnh tật. Trí là phải sáng suốt, có trí tuệ nhận định xét đoán việc nên hay không nên làm, phải hay quấy. Dũng là sự quyết tâm không sợ trở ngại.

Thí dụ gặp tình huống như sau, thầy thuốc phải xử trí tinh thần Bi-Trí-Dũng ra sao :

Một người bị tai nạn nguy đến tính mạng, nếu không cứu kịp sẽ mất mạng.

Bi là mình cảm thấy thương xót gặp người bị nạn, Trí, có khả năng chữa hay không, Dũng là có dám chữa hay không nếu sau này bị phiền hà đến luật pháp….

Ngược lại gặp tên sát nhân hung ác, biết mình là thầy thuốc, uy hiếp bắt mình chữa. Bi là lòng thương người bị nạn, trong đó có tên sát nhân, có những con tin bị bắt giữ. Nếu cứu nó sống, nó sẽ hại con tin, nếu không cứu nó sống nó sẽ giết mình chết. Dũng là mình có sợ chết hay không ? và Trí là phải biết chọn giải pháp nào.

Mỗi hành động cử chỉ mà mình thực hiện đều sẽ tạo ra nghiệp lành hay dữ do mình lựa chọn.

2-Nghiệp bệnh :

Những bệnh nghiệp dễ nhận biết là bệnh nhân dù bị bệnh tầm thường hay nan y, đã đi đông tây y chữa hoài mà không khỏi... do khách quan là thầy thuốc định bệnh sai lầm, chữa không đúng bệnh, hai là do chủ quan vì hay tỏ ra mình có nhiều tiền, có uy quyền, có kiến thức, ưa phản bác chống đối, sai khiến thầy thuốc như là đầy tớ, như thuộc hạ dưới quyền phải có bổn phận phục vụ mình, không tôn trọng thầy thuốc, không tuyệt đối nghe lời hướng dẫn của thầy thuốc, mời thầy thuốc đến tận nhà khi mình còn đi được, bắt thầy thuốc phải chờ đợi, chỉ thích uống thuốc này mà không uống thuốc kia ….những bệnh nhân như thế gọi là bệnh nghiệp không chữa khỏi được vì thuộc loại chúng sinh không muốn hết bệnh.

3-Gánh nghiệp bệnh :

Đã có lần vì nể một người bạn mời tôi đến Bệnh Viện Da Liễu Saigon, xem bệnh cho một kỹ sư kiến trúc bị bệnh lupus, đã nằm viện 1 tháng chờ chết vì bệnh càng ngày càng nặng, chung quanh miệng và chung quanh vòng mắt bị lở da theo hình vòng tròn kín. Nhìn vào biết ông bị nghiệp bệnh do khẩu nghiệp, nên không mở miệng để ăn được, vì mở miệng thì vết lở nứt ra chảy máu làm đau thêm, mắt mở lớn vết lở cũng nứt ra làm đau, lòng ông chứa thù hận, bất mãn vì đang trong vòng thưa gởi tranh chấp căn nhà với người thân…

Khi đến, tôi được giới thiệu với ông ấy. Tôi chưa nói gì, ông ta đã nói trước : Anh đến thăm tôi thì tôi cám ơn, nếu anh không có kinh nghiệm chữa bệnh này thì anh đừng đụng vào người tôi, các bác sĩ chuyên khoa ở đây còn không chữa được, huống gì là anh, còn em trai tôi là bác sĩ của cơ quan y tế thế giới đang làm ở viện nghiên cứu y dược bên Đức, nó gửi về cho tôi những loại thuốc tân tiến nhất chưa được phép bán ra thị trường, chỉ để dùng trong bệnh viện ở Đức, mà tôi dùng cũng không khỏi, làm sao anh chữa được…

Thật là một con người đầy ngã mạn, sân, si, cố chấp, thì bồ tát muốn cứu cũng không cứu được, đúng với câu chúng sinh không muốn hết bệnh, sự đau khổ của một người bị bệnh là để cho họ có thời gian trải nghiệm cuộc sống để trả nghiệp, nếu biết hồi tâm chuyển ý, phục thiện, bớt kiêu căng ngả mạn thì sẽ gặp thầy gặp thuốc được chữa khỏi bệnh, nếu không thì mình không thể gánh nghiệp thay cho họ được. Bệnh nhân này vẫn còn sân hận đuổi hết những người thân vào thăm bệnh, sau một tháng bệnh nhân này qua đời.

Ngược lại nếu mình ỷ tài, cố thuyết phục bệnh nhân cho mình chữa, thì nghiệp bệnh ấy giống như mình xin được gánh, tỏ ra mình chữa giỏi, thì bệnh nhân khỏi bệnh, sau này mình cũng bị bệnh như thế một thời gian thay cho người bệnh đó.

Còn nếu dùng nghề y như là một phương tiện để kiếm tiền nhiều, đạo Phật gọi là gánh nghiệp bệnh cho chúng sinh bằng sự trao đổi tiền bạc, bệnh nhân sẽ hết bệnh, nhưng về già mình cũng sẽ mang những bệnh đó vào thân.

Vì đôi khi những bệnh nan y xảy đến cho một người là để cho người đó trải qua kinh nghiệm bản thân để trả nghiệp rồi tiến hóa, trong trường hợp đó thì dù có đi bác sĩ đông tây y đều không khỏi, họ phải chịu đựng đau đớn khổ sở một thời gian rồi mới gặp thầy gặp thuốc, hay tự nhiên khỏi khi đã giác ngộ hay khi đã hết nghiệp mà không cần đến thuốc.

Nếu ỷ mình là thầy giỏi, không hiểu luật nhân quả, mình cố gắng chữa cho người khỏi bệnh là mình đã phá vỡ luật công bằng của nhân qủa, nên cái nợ của họ mình đã bằng lòng gánh bệnh ấy cho người.

Có người đã thắc mắc hỏi tôi, tại sao các bác sĩ chữa bệnh lấy tiền mà không gánh nghiệp, còn mình không lấy tiền, mà chữa hết bệnh cho người thì tại sao lại gánh nghiệp.

Tôi đã đưa ra một ví dụ : Bệnh của một người, tôi ví như họ phải gánh 100 cục đá từ trên núi xuống chân núi làm họ bị đau nhức vai, chân tay, mệt mỏi, khổ sở. Bác sĩ chữa bệnh giống như người giúp đỡ bệnh nhân, ông nói : ông bà có cần tôi giúp không, tôi gánh dùm, mỗi cục đá tôi lấy công 10$, như vậy bệnh nhân có 10$ thì bác sĩ đỡ hộ cho 1 cục, có nhiều thì đỡ dùm nhiều cục, bệnh nhân thấy bệnh nhẹ hơn, bác sĩ chỉ giúp dùm vài cục, đối với bác sĩ cũng không bị mệt mỏi gì, bác sĩ không phải gánh nghiệp cho bệnh nhân, vì bệnh của bệnh nhân vẫn còn đó.

Còn những người thầy thuốc chữa bệnh miễn phí sẽ hỏi bệnh nhân rằng : Ông có muốn tôi gánh hết 100 cục đá miễn phí cho ông không, dĩ nhiên là bệnh nhân bỏ gánh nặng xuống giao cho mình liền, bệnh nhân đi tay không xuống núi nhẹ nhàng hết bệnh. 100 cục đá bây giờ về ai. Đó là mình tự nguyện nhận gánh nghiệp cho bệnh nhân. Trường hợp này thầy thuốc có Bi và Dũng mà không có Trí.

4-Thế nào là không gánh nghiệp bệnh :

Trong thời Phật còn tại thế, khi Phật đi hóa duyên từng nhà, ngày nào cũng đi qua cửa nhà một trưởng giả keo kiệt, người này thường xua chó hay sai đầy tờ ra đuổi Ngài từ ngày này sang ngày khác. Một hôm vị trưởng giả thấy Phật vẫn cứ tiếp tục đứng trước cửa nhà, vị này tức giận ra chửi Ngài thậm tệ, Ngài mỉm cười điềm đạm nói lời cám ơn vị trưởng giả. Vị này ngạc nhiên hỏi : Tại sao tôi chửi ông mà ông không giận. Phật nói : Mọi ngày ông không bố thí tôi lời nào, nay ông đã bố thí cho tôi ít lời nên tôi ngỏ lời càm ơn ông.

Sau Phật hỏi ông trưởng giả : Khi ông mời khách đến nhà ăn cỗ, mà khách không đến ăn, thì cỗ ấy thuộc về ai ? Trưởng giả đáp : Thì về ta chứ ai. Phật nói : Cũng thế, khi ông chửi tôi mà tôi không nhận thì những câu chửi ấy về ai ?

Trưởng giả nói : Làm sao biết là ông không nhận ?

Phật đáp : Nếu ta nhận, ta đã giận ông rồi.

Trở lại câu chuyện 100 cục đá. Thầy thuốc có lòng từ bi thương bệnh nhân phải đeo nghiệp (vác 100 cục đá là sự đau đớn bệnh hoạn), dùng Trí để dụ chúng sinh còn mê muội buông bỏ đá xuống cho khỏi khổ, sau đó thầy thuốc cũng bỏ đi việc gì mà phải gánh đá xuống núi, vì trên núi dưới núi chỗ nào mà chả có đá, thầy thuốc cũng thảnh thơi không phải mang vác nặng gì, như vậy thì thầy thuốc đâu có gánh nghiệp cho chúng sinh, chỉ là biết cách dùng phương tiện để độ người.

Thầy thuốc chỉ gánh nghiệp khi xem nó là một nghề kiếm nhiều tiền, cầu danh được danh, cầu lợi được lợi, không cần biết đến luật nhân qủa, ai có tiền thì thầy chữa, ai không có tiền thì thầy không chữa, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi, thầy có y thuật, mà thiếu y tâm y đức, không có bi-trí-dũng, nên thầy phải gánh lại nghiệp bệnh của bệnh nhân được trao đổi bằng tiền bạc danh vọng địa vị có được ở đời này, và con cháu ba đời sẽ bị gánh nghiệp lây, nên người xưa thường nói : Nhất thế y, tam thế suy.

Một thầy thuốc không gánh nghiệp là ngoài y thuật, phải có y tâm y đức, tìm những phương tiện thiện xảo, hướng dẫn giúp người bệnh hiểu nguyên nhân gây bệnh theo Tinh-Khí-Thần, và biết cách tự điều chỉnh Tinh-Khí-Thần để khỏi bệnh, không dính mắc đến danh lợi, tiền tài, địa vị, buông bỏ hết như buông bỏ 100 cục đá, không kể, không nhắc, không khoe khoang những việc đã làm, vì đó chỉ là phương tiện học đạo hành đạo của chính mình trên con đường tu học để tiến hóa của một con người.

Thân

doducngoc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét